BÍ QUYẾT GHI NHỚ HIỆU QUẢ DÀNH CHO PHIÊN DỊCH - PHẦN II

5. Đừng chỉ nghe những gì diễn giả đang nói, hãy nghe những gì diễn giả sắp nói.

Những gì diễn giả sắp nói? Tôi có đang đùa không? Không đâu bạn thân mến. Thực ra đây chính là kỹ năng mà bất cứ phiên dịch kinh nghiệm nào đều rất đỗi quen thuộc: nghe chủ động hay có thể hiểu nôm na là vừa nghe vừa phân tích.

Thông thường các diễn giả đều khá mạch lạc khi trình bày bài nói của mình. Các phiên dịch cần đoán biết một số dấu hiệu trong bài nói để đoán được những ý tiếp theo diễn giả đang có ý định trình bày. Ví dụ, khi diễn giả đang đề cập đến nguyên nhân, hãy chuẩn bị tinh thần ngay sau đó nhiều khả năng họ sẽ nói về kết quả, v.v..

Đồng thời, để có thể tự tin đoán ý diễn giả, phiên dịch hãy chú ý nghiên cứu trước tài liệu và lịch trình buổi làm việc để phần nào đoán được ý diễn giả cũng như chủ động hơn trong việc nghe và ghi chép các phiên dịch viên nhé.

6. Không áp đặt quan điểm cá nhân lên thông điệp của diễn giả

Quan điểm và cách nhìn nhận vấn đề của mỗi người đều có sự khác nhau. Điều này dựa trên nhiều yếu tố như trình độ hiểu biết, học vấn và tâm lý cá nhân hoặc một số lý do khác. Chính vì vậy không thể tránh khỏi một số trường hợp phiên dịch không hề đồng tình với những điều diễn giả trình bày. 

Tuy nhiên, một phiên dịch chuyên nghiệp sẽ tôn trọng chữ “tín” khi dịch. Trong trường hợp phiên dịch phát hiện ra một số nghi vấn diễn giả đang nói nhầm, hãy tham khảo ý kiến của diễn giả trước vì biết đâu đây chính là ý đồ của diễn giả khi trình bày.

Ngoài ra, việc mải mê tranh cãi trong tư tưởng với diễn giả có thể khiến phiên dịch xao nhãng và quên mất những gì diễn giả trình bày ngay sau đó.

7. Hãy nghe trọn vẹn ý trước khi bắt đầu dịch

Việc lắng nghe trọn vẹn ý diễn giả trình bày khiến cho phiên dịch dễ theo dõi mạch ý trong bài phát biểu và ghi nhớ tốt hơn cũng như tránh việc gián đoạn mạch chia sẻ của diễn giả, giúp diễn giả trình bày bài nói của mình mạch lạc hơn.

Thông thường các diễn giả sẽ trình bày trọn vẹn ý trước khi yêu cầu phiên dịch chuyển ngữ. Tuy nhiên trong một số trường hợp cá biệt, diễn giả chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc với phiên dịch nên có thể yêu cầu phiên dịch dịch ngay sau một vài câu trình bày, dẫn tới việc bài trình bày kém mạch lạc và người nghe cảm thấy khó theo dõi.

Trong trường hợp này, phiên dịch hãy chia sẻ thẳng thắn với diễn giả để việc truyền tải thông tin được diễn ra thuận lợi nhất.

8. Nghe lời nói, nhớ hình ảnh

Hình tượng hóa thông tin là một cách để ghi nhớ tốt hơn. Khoa học đã có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng não người có thể ghi nhớ hình ảnh tốt hơn thông tin gấp 3 lần. Việc hình tượng hóa thông tin thành chuỗi hình ảnh có thể giúp phiên dịch dễ ghi nhớ hơn và đồng thời có thể truyền tải thông tin một cách phong phú hơn.

Tuy nhiên, với những người không giỏi tưởng tượng, hãy cố gắng ghi nhớ thông điệp thay vì cố gắng tìm ra hình ảnh để minh họa cho một vài từ mà đánh mất các thông tin quan trọng của cả bài nói nhé. 

Những phương pháp trên chính là vũ khí hỗ trợ thành công trong việc cải thiện trí nhớ dành cho phiên dịch. Nhưng tất cả cũng chỉ dừng lại ở lý thuyết nếu như các phiên dịch không thường xuyên thực hành. Học hỏi từ các phiên dịch kỳ cực hoặc luyện tập những phương pháp trên với các bài phát biểu của một số diễn giả hàng đầu thế giới trên các website như “TED.com” hoặc Youtube chẳng hạn.

Chúc các phiên dịch tương lai sớm chinh phục được ước mơ của mình nhé!

Share this post

Hãy chat với chúng tôi